Tôi tên là Canwen, và tôi biết chơi cả dương cầm và vĩ cầm. Tôi khao khát được trở thành bác sĩ, và tôi rất thích môn Giải tích. Bố mẹ tôi đều rất nghiêm khắc không cho phép tôi qua đêm ở đâu cả, nhưng bù lại, họ nấu món khoái khẩu của tôi mỗi ngày. Cơm. Và tôi còn là một tay lái dở tệ nữa chứ. (Tiếng cười) Vậy giờ câu hỏi của tôi dành cho bạn là, "Mất bao lâu để bạn nhận ra là tôi đã nói đùa?" (Tiếng cười) Có lẽ bạn đã đoán biết là hôm nay tôi sẽ bàn về vấn đề sắc tộc và tôi sẽ bắt đầu bằng việc gửi đến các bạn câu chuyện của tôi về việc trưởng thành là người Mỹ gốc Á. Tôi chuyển đến Hoa Kỳ khi mới hai tuổi nên hầu như cả cuộc sống của tôi là một sự pha trộn giữa hai nền văn hóa. Tôi ăn nui bằng đũa. Tôi nghiện món gà sốt cam, và người hùng thời thơ ấu của tôi là Yao Ming. Nhưng với việc lớn lên tại Bắc Dakota, Nam Dakota, và Idaho, đều là những tiểu bang có rất ít tình trạng đa sắc tộc, rất khó để hóa giải cái gọi là "bản sắc ngoại lai Trung Quốc" trong tôi với bản chất Mỹ chủ đạo của tôi. Từng là người Á duy nhất trong căn phòng, tôi đã tự ý thức được điều đầu tiên mọi người chú ý ở tôi là việc tôi không phải người da trắng. Và là một đứa trẻ, tôi bắt đầu nhanh chóng nhận ra rằng tôi có hai lựa chọn trước mắt. Tuân theo cái hình mẫu mà mọi người mong ở tôi hoặc tuân theo cộng đồng người da trắng quanh tôi. Không có lựa chọn nào khác cả. Với tôi, điều này nghĩa là tôi luôn tự ý thức về việc mình giỏi Toán, bởi người ta sẽ chỉ cho rằng đó là vì tôi là người châu Á chứ không phải vì tôi đã cần cù học tập. Nó nghĩa là hễ một chàng trai mời tôi đi chơi thì đó là do anh ta mắc chứng sốt vàng chứ không phải vì anh ta thật sự thích tôi. Nó nghĩa là, trong thời gian khá lâu, danh tính của tôi đã hình thành trên một thực tế là tôi khác biệt. Và tôi nghĩ việc tôi là người châu Á là điều đặc biệt duy nhất về tôi. Những ảnh hưởng này càng nổi trội hơn ở nơi mà tôi sinh sống. Chớ hiểu nhầm ý tôi. Chỉ một tỉ lệ nhỏ số người là phân biệt chủng tộc, hoặc thậm chí là ngầm phân biệt chủng tộc, nhưng đại đa số thì có chút ngô nghê. Tôi biết có lẽ giờ bạn đang nghĩ rằng, "Vậy thì có gì khác?" Được rồi, đây là một ví dụ. Không phân biệt chủng tộc sẽ đại loại kiểu "Tao da trắng, còn mày thì không." Phân biệt chủng tộc thì kiểu "Tao da trắng, mày thì không, và đó là lý do tao hơn mày." Còn người không biết gì thì kiểu như "Tao da trắng, mày thì không, và tao chả biết phải làm gì với điều đó." Giờ thì tôi chắc mẩm là tuy có hơi ngô nghê, nhưng họ vẫn là những người tốt bụng và có thiện chí. Nhưng họ lại đặt những câu hỏi mà gây rất nhiều phiền phức về sau. Đây là một vài ví dụ. "Mày là người Hoa à, ôi Chúa ơi, tao có một anh bạn người Hoa, mày biết ảnh chứ?" (Tiếng cười) "Không. Tao không biết anh ta. Vì trái với sự kì vọng phi thực tế của mày, tao không thể biết hết từng người một trong số 1.35 tỉ người Trung Quốc đang sống trên Trái Đất này." (Tiếng cười) Người ta cũng hay hỏi rằng "Tên của mày từ đâu mà có vậy?" và tôi thật sự không biết phải trả lời thế nào luôn, nên tôi thường dựa theo sự thật. "Bố mẹ tao đặt tên đó cho tao. Vậy tên mày từ đâu mà có?" (Tiếng cười) Thậm chí tôi còn chưa kể tới không biết bao nhiêu lần người ta nhầm tôi với một người châu Á khác. Có lần ai đó đến chỗ tôi và bảo "Angie, tao cực thích bức vẽ của mày!" Và tôi cảm thấy cực kì bối rối, nên tôi chỉ biết cảm ơn họ và lảng đi chỗ khác. (Tiếng cười) Nhưng, trong tất cả các câu hỏi, câu tôi ưa thích vẫn là cái câu kinh điển, "Mày từ đâu tới?", vì tôi đã từng sống ở vài nơi, nên đây là cách mà cuộc hội thoại thường tiến triển, "Mày từ đâu tới vậy?" "À, tao đến từ Boise, Idaho." "Tao biết rồi, nhưng mà thật sự thì mày từ đâu tới? "Ý tao là, tao từng sống ở Nam Dakota một thời gian." "Rồi còn trước đó nữa thì sao?" "Ý tao là, tao đã sống tại Bắc Dakota." "Được rồi, tao sẽ đi thẳng vào vấn đề, tao nghĩ những gì tao đang cần hỏi là, mày có từng sống ở nơi nào xa rất xa ở đây, mà ở đó người ta nói chuyện hơi khác chút không? "Ồ, tao biết nơi mày đang nói tới rồi, đúng là có thiệt, tao từng sống ở Texas." (Tiếng cười) Sau đó thường là họ sẽ bỏ cuộc và tự băn khoăn tại sao tôi không phải một người Á ngầu như Jeremy Lin hay Jackie Chan hoặc họ bỏ qua những câu trêu đùa vô bổ và đi thẳng vào cái họ cần, "Gia đình mày đến từ đâu?" Nên, chỉ một câu "để tao nói mày biết" đáp lại sẽ là phương án an toàn nhất. Nhưng, những cuộc tương tác này thú vị bao nhiêu, nhiều lần chúng khiến tôi muốn chối bỏ văn hóa của chính mình vì tôi nghĩ điều đó sẽ giúp tôi hòa hợp hơn. Tôi tự cách ly bản thân khỏi cái mẫu người châu Á càng nhiều càng tốt bằng cách tự hạ thấp chủng tộc của mình và giả vờ như mình ghét cay môn Toán. Và điều tệ hại nhất là, nó đã có hiệu quả. Tôi càng chối bỏ danh tính Trung Quốc của mình thì tôi càng nổi tiếng hơn Bạn bè thích tôi hơn, vì tôi giống họ nhiều hơn. Tôi trở nên tự tin hơn, vì tôi biết mình giống họ nhiều hơn. Nhưng tôi càng trở nên "Mỹ hóa" hơn, tôi cũng bắt đầu mất đi những đặc trưng của mình, phần bản thân mà tôi không bao giờ lấy lại được, và dù cho tôi có cố đến mấy để giả vờ rằng tôi cũng giống như bao bạn học người Mỹ khác, tôi vẫn không giống họ. Vì đối với những người sống tại những nơi tôi từng sống, da trắng là quy chuẩn, và với tôi, da trắng cũng trở thành một quy chuẩn. Vào sinh nhật thứ 14 của mình, tôi được tặng bộ trò chơi The Sims 3. Nó cho phép bạn tạo nhân vật của mình và điều khiển cuộc sống của họ. Bản thân tôi năm 14 tuổi đã tạo nên một gia đình nhỏ chủ đạo và hoàn hảo, được hoàn thiện với một căn biệt thự lớn cùng một hồ bơi khủng. Tôi đâm đầu vào chơi trò đó trong gần ba tháng, sau đó bỏ nó đi và không bao giờ đá động tới nó nữa, cho tới vài tuần trước, khi mà tôi bỗng nhận ra một điều. Cái gia đình mà tôi đã tạo ra đều là người da trắng. Nhân vật mà tôi đã tự thiết kế cho mình, cũng da trắng. Mọi nhân vật mà tôi tạo ra đều là da trắng. Và điều tệ hại nhất là, đây không phải là một quyết định có ý thức mà tôi đã đưa ra. Chưa bao giờ tôi tự nghĩ rằng tôi hoàn toàn có thể tạo ra những nhân vật giống mình. Không cần phải suy nghĩ, da trắng cũng đã trở thành quy chuẩn của tôi. Sự thật là, người Mỹ gốc Á giữ một vai trò lạ đời trong cái xã hội Mỹ hỗn tạp về sắc tộc. Chúng tôi là dân thiểu số kiểu mẫu. Xã hội lấy thành công của chúng tôi để đặt vào thế đối đầu với các tộc người khác với cái lý lẽ là nạn phân biệt chủng tộc không tồn tại. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì với chúng tôi, người Mỹ gốc Á? Nó nghĩa là chúng tôi không mấy gì đủ giống để được chấp nhận, nhưng cũng không khác biệt đến mức bị hắt hủi. Chúng tôi mãi kẹt trong vùng xám mập mờ và xã hội chẳng biết phải làm gì với chúng tôi. Vậy nên họ nhóm chúng tôi lại theo màu da. Họ bảo chúng tôi phải chối bỏ bản sắc của mình để có thể hòa mình vào đám đông. Họ bảo rằng bản chất ngoại quốc của chúng tôi là đặc điểm duy nhất để phân biệt chúng tôi. Họ tước đi danh tính thật của chúng tôi từng cái một, cho đến khi chúng tôi thành người ngoại nửa nạc nửa mỡ, là người Mỹ nhưng không ra người Mỹ, có cá tính, nhưng chỉ khi không có người bản xứ nước tôi ở quanh. Tôi ước tôi đã luôn có được dũng khí để lên tiếng về những vấn đề này. Nhưng xuất thân từ một nền văn hóa luôn né tránh việc đương đầu, và một nền văn hóa khác bị chi phối bởi chủng tộc, làm sao tôi vượt qua được sức ép để giữ sự hòa hợp, trong khi vẫn được là chính mình? Và dù cực ghét phải thú nhận điều này, tôi thường không lên tiếng gì cả, vì nếu tôi làm vậy, có nguy cơ tôi sẽ bị cho là quá nhạy cảm, hoặc là quá dễ bị xúc phạm, hoặc là điều đó hoàn toàn không đáng. Nhưng tôi vẫn nói rõ, liệu người ta có sẵn lòng thú nhận điều đó? Vâng, những vấn đề về chủng tộc luôn gây tranh cãi. Nhưng đó chính là lý do chúng ta cần thiết phải nói về chúng. Tôi mới bước sang tuổi 18 và còn vô vàn những điều mà tôi chưa biết hết về thế giới. Nhưng những gì tôi biết là rất khó để thừa nhận rằng bạn có thể là một phần của vấn đề, và tất cả chúng ta đều có thể là một phần của vấn đề. Nên, thay vì hướng dẫn cho bạn từng bước một về cách để không có thái độ phân biệt chủng tộc với người Á. Tôi sẽ để bạn quyết định những gì rút ra được từ bài diễn thuyết này. Những gì tôi có thể làm, là chia sẻ câu chuyện của mình. Tên tôi là Canwen, tôi yêu thích màu tím. Tôi chơi dương cầm, nhưng vĩ cầm thì không nhiều lắm. Tôi có hai người bố mẹ cực kỳ ủng hộ tôi và luôn cần cù, cùng một đứa em trai 10 tuổi rất tuyệt vời. Tôi yêu môn Giải tích hơn cả mọi thứ, ghét cay đắng món cơm, và là một tay lái kinh khủng. Nhưng trên hết, tôi tự hào về chính mình. Một chút nét Mỹ, một chút nét Trung Quốc, và vô vàn những nét của cả hai. Cảm ơn. (Vỗ tay)