Không khó để tưởng tượng một thế giới mà vào bất kỳ thời điểm nào, bạn và mọi người mình biết có thể bị xóa sổ dễ dàng mà không hề hay biết. Đây là thực tế của hàng triệu người trong thời kỳ dài 45 năm sau Thế Chiến II, ngày nay gọi là Chiến tranh Lạnh. Khi Mỹ và Liên Xô đối đầu trực tiếp trên toàn cầu, mỗi bên biết bên kia có vũ khí hạt nhân có khả năng hủy diệt. Và sự hủy diệt chưa bao giờ cận kề hơn như trong 13 ngày của Khủng hoảng Tên lửa Cuba. Năm 1961, Mỹ đã thất bại trong việc lật đổ chính quyền cộng sản mới của Cuba. Nỗ lực thất bại đó được biết đến với tên gọi Vịnh Con Lợn, và nó khiến Cuba tìm sự giúp đỡ từ Liên Xô. Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev rất vui vẻ đồng ý bằng cách bí mật triển khai tên lửa hạt nhân đến Cuba, không chỉ để bảo vệ hòn đảo, mà còn để chống lại các mối đe dọa từ tên lửa Mỹ ở Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay khi tình báo Mỹ phát hiện kế hoạch đó, các trang thiết bị để tạo ra tên lửa đã vào vị trí. Tại một cuộc họp khẩn ngày 16/10/1962, các cố vấn quân sự kêu gọi không kích các vị trí đặt tên lửa và xâm lược hòn đảo. Nhưng Tổng thống John F.Kennedy đã chọn cách tiếp cận thận trọng hơn. Vào ngày 22/10, ông tuyên bố Hải quân Mỹ sẽ chặn mọi tàu bè đến Cuba. Duy chỉ có vấn đề: phong tỏa hải quân được xem là hành động gây chiến. Dù Tổng thống gọi đó là một sự cô lập không gây cản trở các nhu cầu căn bản, phía Liên Xô đã không đánh giá cao sự phân biệt này. Trong một lá thư đầy giận dữ gửi Kennedy, Khrushchev viết: “Việc phong tỏa giao thông trong vùng biển và không phận quốc tế là một hành động gây hấn đưa con người vào vực thẳm cuộc chiến bằng tên lửa hạt nhân toàn cầu.” Điều này sau đó dẫn đến sáu ngày Chiến tranh Lạnh quyết liệt nhất. Trong khi Mỹ yêu cầu dỡ bỏ tên lửa, Cuba và Liên Xô khẳng định họ chỉ tự vệ. Và vì các loại vũ khí tiếp tục được trang bị, Mỹ đã chuẩn bị cho một cuộc xâm lược có thể diễn ra. Ngày 27/10, một máy bay do thám do Thiếu tá Rudolph Anderson điều khiển bị một tên lửa Liên Xô bắn hạ. Cùng ngày, một tàu ngầm trang bị hạt nhân của Liên Xô bị trúng bom chìm cỡ nhỏ của một tàu hải quân Mỹ cố gắng báo hiệu nó trồi lên. Các chỉ huy trên tàu ngầm, không liên lạc được với bên ngoài do ở quá sâu, tưởng rằng cuộc chiến đã bắt đầu và chuẩn bị phóng ngư lôi hạt nhân. Quyết định đó phải được ba sỹ quan nhất trí thông qua. Cả thuyền trưởng và quan chức chính trị đều đồng ý phóng, nhưng Vasili Arkhipov, phó chỉ huy, đã phản đối. Quyết định của ông đã cứu vãn ngày hôm đó và có lẽ là cả thế giới. Nhưng cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội Hoa Kỳ tự đặt mình vào tình trạng DEFCON 2, mức sẵn sàng phòng thủ chỉ cách chiến tranh hạt nhân một bước. Với hàng trăm tên lửa hạt nhân sẵn sàng phóng đi, Đồng hồ Tận thế nghĩa ẩn dụ chỉ cách tận thế một phút. Nhưng chính sách ngoại giao vẫn tiếp tục. Tại Washington DC, Tổng chưởng lý Robert Kennedy đã bí mật gặp gỡ Đại sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin. Sau cuộc đàm phán căng thẳng, họ đi đến thỏa thuận sau. Phía Mỹ sẽ dỡ bỏ tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ý và hứa không bao giờ xâm chiếm Cuba, đổi lại Liên Xô sẽ rút khỏi Cuba dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc. Khi cuộc gặp kết thúc, Dobrynin gởi điện cho Mát-xcơ-va và nói thời gian vô cùng quan trọng và họ không nên bỏ lỡ cơ hội. Và 9 giờ sáng hôm sau, Khrushchev gởi thông điệp tuyên bố các tên lửa của Liên Xô sẽ bị rút khỏi Cuba. Lúc này cuộc khủng hoảng mới chấm dứt. Trong khi chính quyền mỗi bên vào thời đó chỉ trích họ vì thương lượng với kẻ thù, các đánh giá lịch sử đương thời thể hiện sự ngưỡng mộ to lớn với tài ngoại giao giải quyết khủng hoảng của Kennedy và Khrushchev. Nhưng bài học đáng lo ngại là một lỗi giao tiếp nhỏ, hay quyết định vội vã của một chỉ huy có thể đã làm tiêu tan mọi nỗ lực của họ, và suýt nữa là thế nếu không nhờ lựa chọn dũng cảm của Vasili Arkhipov. Khủng hoảng Tên lửa Cuba cho thấy nền chính trị của con người rất mong manh so với sức mạnh đáng sợ nó có thể gây ra.