Bệnh tâm thần phân liệt được xác định từ hơn một thế kỷ trước, nhưng ta vẫn chưa biết rõ nguyên nhân căn bệnh. Ngày nay nó là một trong số những căn bệnh bị kì thị và hiểu lầm nhất. Hãy cùng điểm qua những gì ta đã biết - từ triệu chứng đến nguyên nhân và điều trị. Tâm thần phân liệt được xem là một hội chứng, tức là nó có thể bao gồm nhiều dạng rối loạn liên quan có triệu chứng giống nhau nhưng nguyên nhân khác nhau. Những người mắc bệnh tâm thần phân liệt có triệu chứng hơi khác nhau, và những dấu hiệu đầu tiên dễ bị bỏ qua như sự thay đổi tính cách nhẹ, cau có hơn, hoặc dần hình thành các lối suy nghĩ bất thường. Bệnh nhân thường được chuẩn đoán sau đợt rối loạn khởi phát đầu tiên, thường xảy ra vào giai đoạn thiếu niên hoặc đầu tuổi 20 đối với nam giới và giai đoạn cuối tuổi 20 hoặc đầu tuổi 30 đối với nữ giới. Đợt rối loạn đầu tiên có thể bao gồm hoang tưởng, ảo giác, và hành vi, lời nói hỗn loạn. Đó được gọi là triệu chứng dương tính, chỉ xuất hiện ở người mắc bệnh tâm thần phân liệt và không có ở người thường nói chung. Nhiều người lầm tưởng là bệnh nhân tâm thần phân liệt có đa nhân cách, nhưng các triệu chứng cho thấy sự ngắt đoạn trong quá trình tư duy, chứ không phải sự hình thành nhân cách mới. Tâm thần phân liệt cũng có những triệu chứng âm tính, đó là sự thiếu hụt một số phản ứng ở bệnh nhân tâm thần phân liệt, như thiếu động lực, khó bộc lộ cảm xúc hoặc giao tiếp. Ngoài ra còn có các triệu chứng nhận thức, như là khó tập trung, khó ghi nhớ thông tin và thiếu quyết đoán. Vậy nguyên nhân của chứng rối loạn này là gì? Có khả năng không chỉ có một nguyên nhân, mà do nhiều yếu tố về di truyền và môi trường tạo thành. Tâm thần phân liệt là một trong các bệnh tâm thần di truyền liên kết gen bền nhất. Mặc dù chỉ khoảng 1% dân số mắc bệnh tâm thần phân liệt, người có anh, chị, em mắc bệnh tâm thần phân liệt sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp mười lần, và nếu một người trong cặp sinh đôi cùng trứng bị tâm thần phân liệt người còn lại sẽ có 40% nguy cơ mắc bệnh. Thông thường, gia đình ruột thịt của người mắc bệnh sẽ biểu lộ một số đặc điểm liên quan đến chứng rối loạn này ở mức độ nhẹ nhưng không đến mức cần chữa trị. Có nhiều gen gần như chắc chắn là nguyên nhân gây bệnh, nhưng ta không biết có bao nhiêu gen, và là những gen nào. Yếu tố môi trường như tiếp xúc một số virus khi còn sơ sinh sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt, và việc sử dụng một số chất kích thích, bao gồm cần sa, có thể kích hoạt đợt rối loạn đầu tiên ở người nhạy cảm với chất kích thích. Những yếu tố này không ảnh hưởng mọi người như nhau. Với người ít nguy cơ di truyền, dù có tiếp xúc với bao nhiêu yếu tố trên đi nữa cũng không khiến họ bị tâm thần phân liệt; Còn với người có nguy cơ di truyền cao, chỉ tiếp xúc ít cũng rất nguy hiểm. Thuốc chống loạn thần để chữa bệnh này đã giúp các nhà nghiên cứu quay về xuất phát điểm để tìm ra đặc trưng căn bệnh từ bộ não. Thuốc chống loạn thần truyền thống ngăn cản thụ thể hấp thu dopamin. Thuốc hiệu quả đối với việc giảm thiểu các triệu chứng dương tính, vì triệu chứng dương tính liên quan đến sự thừa dopamin ở một số đường dẫn thần kinh. Nhưng loại thuốc này cũng có thể làm triệu chứng âm tính chuyển biến xấu, và ta đã phát hiện triệu chứng âm tính có thể liên quan tới sự thiếu hụt dopamin ở một số vùng não bộ. Một số bệnh nhân tâm thần phân liệt bị suy giảm mô thần kinh, và sự teo giảm này vẫn chưa được xác định là do mắc bệnh hay là do sự kìm hãm dẫn truyền thần kinh khi sử dụng thuốc. May thay, nhiều loại thuốc chống loạn thần mới đang giải quyết một số vấn đề trên bằng việc tập trung vào nhiều chất dẫn truyền thần kinh, như là serotonin thay vì chỉ dopamin. Rõ ràng là không đường dẫn truyền riêng lẻ nào có thể gây ra hết mọi triệu chứng, và vì các loại thuốc này ảnh hưởng đến toàn não bộ và cơ thể, nên chúng sẽ có tác dụng phụ như tăng cân. Dẫu vậy, thuốc chống loạn thần sẽ rất hiệu quả, nhất là khi kết hợp với các biện pháp chữa trị khác như liệu pháp nhận thức hành vi. Liệu pháp sốc điện, tuy chỉ mang hiệu quả tạm thời, nhưng cũng đang được tái áp dụng như một biện pháp hiệu quả, nhất là khi các biện pháp khác không thành công. Việc can thiệp từ sớm cũng rất quan trọng. Sau nhiều tháng hoặc nhiều năm không chữa các rối loạn, một vài rối loạn sẽ ăn sâu vào tính cách của bệnh nhân. Ấy vậy mà sự dè bỉu thiếu nhân tính mỗi khi nhắc đến căn bệnh này có thể khiến người bệnh e ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. Bệnh nhân tâm thần phân liệt thường bị cho là mối nguy hại, nhưng thật chất họ thường là những nạn nhân chịu sự bạo lực hơn là những phạm nhân. Và sự chữa trị phù hợp có thể giảm thiểu nguy cơ bạo lực liên quan đến tâm thần phân liệt. Vì vậy mà sự giáo dục - cho bệnh nhân, gia đình và cộng đồng của bệnh nhân - sẽ giúp xóa bỏ sự dè bỉu và nâng cao khả năng được điều trị.