Hãy tưởng tượng một ngày bạn được Hội đồng Chính phủ triệu tập. Dù rằng chưa hề phạm phải tội gì hay từng chính thức bị kết án, bạn liên tục bị thẩm vấn về các quan điểm chính trị, bị buộc tội phản động và phải khai ra đồng phạm gồm bè đảng và thân hữu. Nếu không hợp tác, hãy chuẩn bị tinh thần ngồi tù hoặc mất việc. Đó chính là những gì đã diễn ra tại Mỹ vào những năm 1950 như một phần của chiến dịch lùng soát các cá nhân bị tình nghi theo phe Cộng sản. Được đặt theo tên của người lãnh đạo tai tiếng, hiện tượng McCarthy đã hủy hoại cuộc đời và sự nghiệp của biết bao người. Suốt hơn một thập kỷ, giới lãnh đạo chính trị Mỹ đã chà đạp lên tự do dân chủ dưới danh nghĩa bảo vệ cho chế độ này. Trong suốt những năm 1930 và 1940, tại Mỹ xuất hiện một Đảng Cộng sản quy mô nhỏ với vai trò khá đa dạng. Họ vừa đóng vai trò tích cực trong phong trào đấu tranh tiến bộ cho quyền người lao động và quyền công dân vừa ủng hộ Liên minh Xô viết. Ngay từ khi mới bắt đầu, Đảng Cộng sản Mỹ đã đối mặt với sự tấn công từ phe Bảo thủ và các lãnh đạo doanh nghiệp cũng như phe Tự do luôn phản đối mối quan hệ của mình với chế độ Xô viết. Trong thế chiến thứ hai, khi Mỹ và Liên bang Xô viết liên minh chống Hitler, một số nhà Cộng sản Mỹ đã hoạt động tình báo cho Nga. Khi Chiến tranh Lạnh leo thang và vụ việc này bị phát giác, chủ nghĩa Cộng sản được xem như mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Nhưng nỗ lực trừ khử mối nguy này sớm trở thành chương dài nhất và sâu rộng nhất của đàn áp chính trị trong lịch sử Mỹ. Được "thêm dầu vào lửa" bởi mạng lưới quan chức, chính trị gia, nhà báo và các doanh nhân, chiến dịch đã phóng đại về nguy cơ bị lật đổ bởi chủ nghĩa cộng sản. Những kẻ giấu mặt sau cuộc thanh trừng sờ gáy bất cứ ai bị nghi có quan điểm chính trị phe cánh tả hoặc dính líu đến những nhân vật thuộc phe này. Nếu tường nhà bạn treo tác phẩm nghệ thuật hiện đại có liên quan đến xã hội đa sắc tộc hay thể hiện thái độ phản đối chủ nghĩa hạt nhân, có khả năng bạn chính là cộng sản. Bắt đầu vào cuối thập niên 1940, giám đốc FBI Edgar Hoover đã sử dụng nguồn tin của cơ quan để săn lùng các đối tượng cộng sản bị tình nghi và tiêu diệt tận gốc mọi ảnh hưởng có thể của họ trong xã hội Mỹ. Và tiêu chí mà Hoover và phe cánh của mình sử dụng để rà soát những công nhân liên bang dần lan tới khắp mọi ngóc ngách Hoa Kì. Không lâu sau, Hollywood, các trường đại học, các đơn vị sản xuất xe hơi cùng hàng ngàn người đứng đầu các tổ chức công và tư đều bị ép tiến hành kiểm tra chính trị lên tất cả mọi công nhân của mình. Trong khi đó, Quốc hội cũng tiến hành cuộc săn phù thủy của riêng mình và trừng phạt hàng trăm người làm chứng trước các cơ quan điều tra như Ủy ban Hạ viện Kiểm Tra Hành Động Bất Hợp Hoa Kì. Nếu từ chối hợp tác, họ có thể sẽ bị giam vì tội danh xúc phạm quan tòa, hay thường xảy ra hơn, là bị sa thải hoặc đưa vào danh sách đen. Những chính trị gia tham vọng, như Richard Nixon và Joseph McCarthy, sử dụng những tiền đề đó làm chiêu thức để buộc những đảng viên Dân chủ tội dung túng cho cộng sản và tự nguyện dâng hiến Trung Quốc cho Khối phía Đông. McCarthy, một thượng nghị sĩ Cộng hòa đến từ Wisconsin trở nên nổi tiếng nhờ việc khoe khoang danh sách những cộng sản bị cáo buộc xâm nhập vào Bộ ngoại giao Mỹ. Được các chính trị gia khác cổ vũ, ông ta tiếp tục thực hiện những cáo buộc vô lí khác cùng việc bóp méo và ngụy tạo bằng chứng. Không ít người nguyền rủa McCarthy nhưng số khác lại ca ngợi ông ta. Và khi Chiến tranh Hàn Quốc bùng nổ, McCarthy thậm chí còn được bênh vực. Ngay khi McCarthy trở thành Chủ tịch của tiểu ban thường trực Thượng viện về Điều tra vào năm 1953, ông ta thậm chí còn trở nên hung hăng hơn. Nhưng hành động động chạm đến cả quân đội đã khiến quần chúng phản đối và khiến quyền lực McCarthy thoái trào. Đồng nghiệp trong Thượng nghị viện chỉ trích McCarthy và chưa đầy ba năm sau, ông chết vì nghiện rượu. Chủ nghĩa McCarthy chấm dứt từ đó. Với "thành tích" thiêu rụi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cuộc đời và thu hẹp đáng kể phổ chính trị Hoa Kì. Thiệt hại nó gây ra cho cấu trúc dân chủ có lẽ sẽ để lại dư âm dai dẳng. Khả năng rất cao là cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đều biết rằng cuộc thanh trừng cộng sản này là vô cùng phi đạo đức nhưng lo sợ rằng công khai phản đối sẽ gây hại đến sự nghiệp của mình. Ngay cả Tòa án Tối cao cũng thất bại trong việc chặn đứng cuộc săn lùng, bỏ qua luôn cả những vi phạm về quyền hiến định dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia. Vậy cộng sản Mỹ có thật sự là mối đe dọa với chính phủ Mỹ hay không? Có lẽ thế, dù không quá đáng kể. Nhưng động thái phản ứng thái quá đã gây ra mức thiệt hại thậm chí còn kinh khủng hơn cả mối đe dọa thực tế. Và giả như những kẻ mị dân lại bất chợt xuất hiện để tấn công những cộng đồng thiểu số dưới danh nghĩa lòng yêu nước, có hay chăng điều này sẽ tiếp tục xảy ra?