Có bao giờ bạn chia sẻ vấn đề của mình với người bạn để rồi nhận ra anh ta dường như không hiểu được vì sao vấn đề đó lại quan trọng với bạn? Có bao giờ bạn trình bày ý tưởng để rồi nhận lại thái độ bối rối? Hay có thể bạn đang tranh cãi thì người kia đột nhiên chỉ trích bạn đã không hề lắng nghe những gì họ nói? Chuyện gì đang xảy ra vậy? Câu trả lời là sự hiểu lầm trong giao tiếp ở một dạng nào đó, chúng ta đều trải qua điều này. Vấn đề này gây ra nhầm lẫn, thù địch, hiểu nhầm thậm chí còn khiến tàu thăm dò vũ trụ hàng tỉ đô la đâm vào bề mặt Sao Hỏa. Thực tế là kể cả khi trực tiếp đối mặt với người khác, trong cùng một căn phòng, nói cùng một ngôn ngữ, giao tiếp giữa con người cũng phức tạp một cách khó tin. Tin vui là nếu ta có được hiểu biết cơ bản về những gì diễn ra khi giao tiếp ta hoàn toàn có thể tránh được hiểu lầm trong giao tiếp. Qua nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã hỏi "Chuyện gì xảy ra khi ta giao tiếp?" Một cách diễn dịch, được gọi là mô hình chuyển giao, xem giao tiếp như một thông điệp đi trực tiếp từ người này sang người kia, giống như ai đó ném quả bóng rồi bỏ đi. Nhưng thực tế thì, mô hình này không giải thích được sự phức tạp diễn ra trong giao tiếp. Giới thiệu mô hình giao dịch, mô hình này thừa nhận những thách thức phát sinh khi giao tiếp. Theo mô hình này, chính xác hơn là xem giao tiếp giữa con người như trò chơi bắt ném đồ vật. Khi ta phát ra thông điệp, đồng thời ta cũng nhận phản hồi từ bên kia. Thông qua việc giao dịch, ta cùng tạo ra ý nghĩa. Nhưng từ việc trao đổi này lại nảy sinh thêm nhiều điều phức tạp. Không giống như ở vũ trụ Star Trek ở đó một số nhân vật có khả năng ngoại cảm, hoàn toàn chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc. Là con người, chúng ta không thể không gửi và nhận thông điệp thông qua lăng kính chủ quan của mình. Khi giao tiếp, một người diễn tả diễn dịch của mình về thông điệp này, và đối phương sẽ nghe được diễn dịch của riêng anh về thông điệp đó. Màng lọc nhận thức của chúng ta liên tục chuyển đổi giữa ý nghĩa và diễn dịch. Nhớ trò chơi ném đồ vật chứ? Hãy tưởng tượng chơi trò đó với cục đất sét. Khi mỗi người chơi đụng vào đất sét, họ nhào nặn để nó vừa với nhận thức khác biệt của riêng họ dựa vào các yếu tố, như kiến thức hay trải nghiệm cũ, tuổi tác, sắc tộc, giới tính dân tộc, tôn giáo hay bối cảnh gia đình. Mỗi người đều cùng lúc diễn dịch thông điệp họ nhận được tùy theo mối quan hệ giữa họ với người kia và sự hiểu biết của riêng họ về ngữ nghĩa và hàm ý của những từ được sử dụng. Họ cũng có thể bị phân tâm bởi các tác nhân kích thích khác, như giao thông hoặc cái bụng đang kêu gào. Thậm chí cảm xúc cũng làm che mờ nhận thức và càng có thêm nhiều người tham gia trò chuyện, mỗi người có tính chủ quan riêng mình, việc giao tiếp càng trở nên phức tạp một cách nhanh chóng. Vậy nên khi cục đất sét di chuyển qua lại giữa hai người, được biến đổi, được nắn lại và luôn trong trạng thái thay đổi, nên không lạ gì thông điệp của chúng ta có lúc trở thành hiểu lầm trong giao tiếp. May thay, có một vài cách thực hành đơn giản giúp chúng ta điều chỉnh tương tác hàng ngày để giao tiếp tốt hơn. Một là: nhận ra rằng nghe bị động và lắng nghe chủ động là 2 việc khác nhau. Tích cực tương tác với phản hồi ngôn ngữ và phi ngôn ngữ của người khác, và điều chỉnh thông điệp của mình để giúp đối phương hiểu bạn nhiều hơn. Hai là lắng nghe bằng đôi mắt, đôi tai cũng như trực giác của mình. Hãy nhớ rằng giao tiếp không chỉ liên quan đến mỗi lời nói. Ba là: dành thời gian để hiểu người khác cũng như giúp người khác hiểu bạn. Khi vội vã muốn thể hiện bản thân, ta thường dễ quên rằng giao tiếp là con đường hai chiều. Cởi mở với những gì người kia nói. Và cuối cùng, bốn là: Ý thức về màng lọc nhận thức cá nhân của bạn. Những gì bạn đã trải nghiệm, bao gồm văn hóa, cộng đồng và gia đình, sẽ ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận thế giới. Hãy nói rằng "Đây là cách tôi nhìn nhận vấn đề, còn bạn thấy thế nào?" Đừng mặc định rằng nhận thức của bạn là sự thật khách quan. Điều này sẽ giúp bạn nói chuyện được với người khác để có thể cùng thấu hiểu lẫn nhau.